Tuesday, February 8, 2022

 


HAI BỜ SÔNG HẬU


Đất mẹ quê cha luôn bỏ ngõ
Chờ ta về tỏ rõ tâm tình
Thời gian trôi tưởng đâu mất dấu
Tiếng thơ ai réo gọi lòng mình.

Sông Hậu Bình Minh ngày lên hẹn
Hai chuyến phà đưa ngược hướng nhau
Em đến lớp anh đi đến sở
Nắng sớm gió mai rất ngọt ngào!

Đất Vĩnh bờ đông quê em hở?
Tây Đô vùng nhớ áo trắng bay?
Mơ tương lai đẹp tình lên sóng
Yêu đương vương vấn? Vẫn còn say?

Sông Cửu đôi bờ dày mơ mộng
Bảng đen phấn trắng nghiệp đời tôi
Một thuở vung tay xây ước vọng
Bất phùng thời gió cuốn mây trôi!

Anh Tú (Nguyễn Hồng Ẩn)
July 11, 2012

Tuesday, February 1, 2022

 

DANH SÁCH GIÁO SƯ TRUNG HỌC BÌNH MINH, VĨNH LONG

-Chủ yếu từ 1973-1975

-Bảng nháp cần bổ túc.

 -Theo “công thức” : họ,chữ lót,tên <quê quán /hiện tại/Môn dạy>

1-HỘI PHỤ HUYNH HỌC SINH

-Ông Bảy Bồ (từ thời HT Phan Thông Hỷ )

-Ông Phạm Văn Lợi <Bảy Lợi> <Rạch vồn (BM )/ sau 30/4 nhà bị quản lý không biết ở đâu> <thông tin/tt: BTrân>

-Ông Nguyễn Hiếu Thuận ( vốn là nghị viên Hội Đồng Tỉnh)

2-NHÂN VIÊN VĂN PHÒNG

 -Thầy Nguyễn Văn Trứ<Bình Minh/ qua đời/ Thư ký>

-Cô Trần thị Lý <Tư Lý> <Bình Minh/qua đời/ Thư ký>

-Cô Phan thị Cẩm Vân<Bình Minh/ Ba Càng Vĩnh Long/ Thư ký>

-Cô Sơn Thị Ngọc Xuân <Cần Thơ/CT/ thư ký 1969> <vợ của thầy Lê Văn Thu><tt: TBK>

 3-BAN GIÁM HIỆU <1973-1975>

 -Thầy Nguyễn Hồng Ấn, < Vĩnh Long/ USA/Hiệu trưởng, Lý Hóa>

-Thầy Nguyễn Văn Giáo < Khánh Hòa/ USA/ Giám học, Việt Hán><về trường 1969, rời 1974>

-Thầy Trần Quang Vinh <Mỹ Tho/ qua đời tại Cần Thơ tháng 4.75/Phụ tá Giám học, Giám học khi thầy Giáo đổi về Sài Gòn 1974/Vạn vật>

-Thầy Trần Hữu Phước <Cần Thơ/ Sài Gòn/ Phụ tá Giám học khi thầy Vinh lên làm Giám học /Vạn Vật>

4-CHĂM SÓC TRƯỜNG :

 Chú Tám Kiến <tt:Kim Tuyết>

 5-BAN GIÁM THỊ

 -Thầy Lê Văn Thu <Mỹ Tho/ qua đời/ Tổng giám thị 1973-1975>

-Thầy Lê Văn Mai <Vĩnh Long/ Vĩnh long/ Phó giám thị >

-Thầy Sơn Chô <Cần Thơ/ qua đời/ Giám Thị, sau đó văn phòng><Thầy Sơn Chô là Tổng giám thị đầu tiên của trường 1964 .Theo thầy Nguyễn Văn Giáo những năm 70 Thầy Sơn Chô làm văn phòng, phụ trách phát lương và thầy Thu dạy Vạn vật 1965>

-Cô Nguyễn Bạch Vân <Bình Minh/ qua đời/ Giám thi >

-Cô Nguyễn Thị Diệu <Bình Minh/ Bình Minh/Giám thị >

-Thầy Huỳnh Ngọc Còn <?/?/Giám thị> <theo thầy Giáo>

-Thầy Nguyễn Văn Diễn (Vīnh Long /Hựu Thành, Trà ôn/Toán ,Giám Thị, dạy thế khi gs khác vắng mặt khi về trường 72-73)(sau 75 dạy Toán ở PTTH Hựu Thành , Trà ôn , đã nghỉ hưu, qua đời đã 2 năm) 

-Thầy Trịnh Đức Tiếp <?/Tân Lược/Giám Thị, dạy thế khi gs khác vắng mặt> <về trường 72-73>


6-BAN GIÁO SƯ:

Môn triết:

-Thầy Đặng Hữu Duyên< GS ĐH Cần Thơ tăng cường/ Phú Quốc VN/Triết>

-Cô Nguyễn Thị Lan<dạy môn Tâm Lý Học> 

Môn Quốc Văn:

-Thầy Bùi Ngọc Anh <Tham Tướng Cần Thơ/Cần Thơ/Việt Văn>

-Thầy Trần Tiến Chung < Cần Thơ/qua đời tại Cần thơ/Việt Văn , thêm Công dân>

-Cô Trương Ngọc Hạnh<Tây Ninh/USA/Việt Văn>

-Thầy Trương Võ Hiệp <Cần Thơ/ Cần Thơ/Việt Văn>

-Cô Nguyễn thị Mỹ Hoa<?/?/ Việt Văn>

-Cô Nguyễn Hồng Hoa <?/?/Việt Văn>vợ họa sĩ Ốc <cũng là gs tại Tam Bình?>

-Thầy Phạm Văn Minh <?/? /Quốc văn> <tt: NVP >

-Cô Nguyễn Thị Nâu <Cần Thơ/Phong Điền,Chương Thiện bây giờ Hậu giang /Việt Văn, Công dân>

-Cô Trần Thị Ngọc <VL /sống với con tại Sài Gòn/ Việt Văn>

-Cô __ Phấn <Vĩnh Long/USA/ Việt Văn? > 

-Cô Thái Thị Phượng <Cần Thơ/ Cần Thơ/Việt văn><về trường 72>

-Thầy Nguyễn Khắc Sảo<Cần Thơ/ qua đời do tai nạn xe/Việt văn>

-Thầy Lê văn Sang<Tân Lược,Bình Minh/Qua đời tại Tân Lược ngày 11/1/2022, thọ 81 /Việt Văn>

-Phan thị Thanh Tâm< cháu của cụ Phan khắc Sữu/ vừa qua đời tại USA/Việt Văn>

-Thầy Nguyễn Toàn< Hội An/ đang ở Đà Nẳng/ Việt Văn>

-Thầy Nguyễn Thành Loan Tư <Vĩnh Long/ Ngả Tư Long Hồ Vĩnh Long/Việt Văn>


Môn Toán:

-Thầy Nguyễn Xuân Cảnh <?/?/ Toán ><về trường 1962><tt:TBK>

Thầy Phan Trung Chánh <?/?/Toán><dạ̣y 70-71><tt: NVP>

-Thầy Lê Khắc Chấn < Cần Thơ/ USA/Toán><Gs TrH Đoàn Thị Điểm tăng cường>

-Thầy _ _ Đồng <?/?/Toán>

-Thầy Dương Bá Đương <Trà Ôn Vĩnh Long/Vị Thanh Hậu Giang/Toán>< nk 1972-1973>

-Thầy Huỳnh Đường (Bình Minh/USA/Toán)(từ 1975)

-Thầy Huỳnh Văn Hoà <BM/Cần Thơ/Toán><1969 xin về trường gs Phạm hồng Thanh không nhận, 1970 gs Khoa mới nhận>

-Cô Đặng thị Mỹ Hường< Cần thơ/qua đời/ Toán, năm 69-70>< mất trước 30-4-75 vì ung thư>

-Gs Thái Hữu Như <Vĩnh Long /qua đời tại Vĩnh long/Toán ,Thể dục>

-Lê Hùng Phi<Bình Minh/qua đời/Toán> <sau 1975>

-Thầy Châu Thành Tài <Hộ Phòng Bạc Liêu/ USA/Toán><về trường 1973 rời 1978 về tỉnh>

-Nguyễn văn Thành < Thủ Đức/USA/ Toán> <rời trường 1973>

-Thầy  Nguyễn Trọng Thắng<Sài Gòn/qua đời ttại Sài Gòn/Toán><dạy một nk 71-72 , đi quân trường, sau đó dạy TH Hoàng Diệu  Sóc Trăng, đến hưu về nhà SG và mất><tt:BTrân>

-Thầy Nguyễn Văn Thể dạy <?/?/Toán > <nhưng không biết về năm nào, khoảng 73 hay 74?>

-Thầy Nguyễn Văn Thuận< ?/ Cần Thơ/ Toán><rời trường 1974>

-Thầy Phan Quốc Toản <SG/qua đời/Toán>

-Thầy Nguyễn Thanh Tuấn <Trà Cú,Trà Vinh/Trà Vinh/Toán>

-Thầy Lương Vinh Xuân <Cần Thơ/CầnThơ/Toán , Nhạc> <dạy 1968)<tt: Kim Tuyết>


Môn Vạn Vật:

-Thầy Đoàn Thạch Cường < Sài Gòn/ Úc châu/Vạn vật> 

-Thầy Nguyễn Ngọc Diệp<Vĩnh Long /VinhLong/Vạn Vật>

-Thầy Nguyễn Trí Đức <Vĩnh Long/USA/Vạn Vật>

-Cô Trương Ngọc Nhung (Vĩnh Long/USA/Vạn Vật) (vợ thầy Huỳnh Đường)

-Thầy Đỗ Quang Minh <Sai Gòn/mất tích khi vượt biển/Vạn Vật>

-Thầy Từ Văn Nhung <?/ Bình Dương/Vạn Vật>


Môn Lý Hóa:

-Thầy Bùi Kim Bằng< Sa đéc/USA/Toán và Vật Lý >

-Thầy Phan Văn Dũng<?/Long Hồ, Vĩnh long/Lý Hóa> 

-Thầy Nguyễn Văn Hớn< Vĩnh Long/qua đời/Hóa>

-Thầy Lê văn Lôi <Huế/qua đời tại Bình Minh/Lý Hóa>

-Nguyễn Ngọc Sơn<?/?/Lý Hóa>

-Thầy Nguyễn Văn Tập <Sài Gòn/ USA/ Lý Hoá> < rời trường 1973>


Môn Anh Văn:

-Cô Nguyễn Ngọc Ánh (?/USA/Anh văn) 

-Thầy Lê ngọc Ánh<Cần Thơ/qua đời 2005/ Anh Văn> <rời trường 1973>

-Cô_ _ Ấn <?/?/Anh Văn>

-Thầy Nguyễn Hiến <Cần Thơ/qua đời/Anh Văn><tại nạn giao thông 73>

-Cô Nguyễn Cẩm Hồng <Cần Thơ/USA/Anh Văn>

-Cô Nguyễn Thị Hồng Hoa <Cần Thơ, Cần Thơ, Anh Văn>

-Cô Nguyễn Thanh Mai <Cần Thơ/Cần Thơ/Anh Văn><dạy 1969,1970>

-Cô Diệp Như Nga <BM/Tân Lược Bình Minh/Anh văn>

-Cô Nguyễn Ánh Nguyệt <Sa Đéc/ USA/Anh Văn>

-Cô Đinh Thị Bạch Yến < Cần Thơ/USA/Anh Văn>


Môn Pháp Văn:

-Thầy Bùi Minh Đức <Thốt Nốt/Tam bình/Pháp Văn> <dạy 1974><hiện tại :làm vườn>

-Thầy Đởm <?/?/Pháp văn><thông tin từ Nguyễn Văn Phép>

-Cô Nguyễn Thúy Phượng <Cần Thơ/Sài Gòn/Pháp Văn>

-Thầy Nguyễn Thế Nghiệp<biệt danh Ngật Tiếu Tiên><Mỹ Tho/QUA ĐỜI/Pháp Văn> < năm 1974><sau 75 học cải tạo ,sau lưu được lưu dụng dạy ở Tam Bình , đã mất , khoảng 1985> <NVP> 

-Cô Nguyễn Thị Sen <Sài Gòn/ qua đời/ Pháp Văn><về trường 1970, rời trường:không nhớ>< tt: BTrân>

-Cô Đinh Thị Bạch Tuyết <Sa Đéc/Sài Gòn/Anh văn và Pháp văn><dạy 1974>< hiện tại:dạy kèm>

-Thầy Trần Quang Viên <SG/qua đời/Pháp Văn>


Môn Sử, Công dân:

-Thầy Cao Ngọc Hải<BM/qua đời/Sử địa>

-Thầy Lê Hữu Hiệp <Cần Thơ /Qua đời/Dạy Sử, Giám thị><rời trường khoảng 1974>

-Cô Phạm thị Hoa.<Vĩnh long/?/Công dân> 

-Cô Lại Thị Nhuần<?/ USA /Sử Địa, Công dân>

-Thầy Phan Quang Trường<?/?/Sử>

-Cô Nguyễn Thị Xuân <Tiền Giang / qua đời /Sử><sau 75 đổi về dạy Kiểu Mẫu,Cần Thơ, bị HT người Bắc đuổi, tự vẫn phản đối kỳ thị>

-Cô Nguyễn Thanh Quy <?/ Úc Châu/Sử>


Môn Nữ công Gia chánh:

-Cô Lê Thị Mộng Nguyệt <?/?/nữ công>

 

Sunday, January 30, 2022

Saturday, January 29, 2022

 Bài hát Ngày Em Về của Thanh Trang 

và 
một “hc trò” cũ của tôi.

Qua FaceBook, tôi gặp được một học-sinh của miền đất hiền-hòa nhưng khá nỗi tiếng bên bờ Hậu Giang, thuộc Vĩnh-Long, nơi mà tôi thường nói thuộc về “Góc nhớ vùng bưỡi Năm Roi” của tôi.
Được biết em là bạn của một nhóm học-sinh thuộc một lớp học tại trường trung-học sở-tại mà tôi có dạy qua, nhưng em không học với tôi vì ngay năm tôi phụ-trách lớp thì em chuyển trường. Dù vậy, em vẫn gọi tôi là thầy. (Vì lẽ đó tôi viết “học-trò” giữa hai ngoặc kép. Cám ơn em và thầy vẫn xem em như bao nhiêu học-sinh thân-mến khác mà thầy hân-hạnh đã hướng-dẩn trong đời).
Từ một kỷ-niệm của tôi với một đồng-nghiệp thân-thiết về ca khúc Đường Chân Trời (Anh Việt Thu), câu chuyện trao đổi cùng em đã dẩn dắt tôi đến bài hát Ngày Em Về (Thanh Trang). Một điều bất-ngờ thú-vị là nhạc-sĩ Thanh Trang đã chọn em trình-bày bản Ngày Em Về; xin trích một đọan văn nói về bản nhạc này của nhạc-sĩ:

............
Bài hát “Ngày em về“ tôi viết đã vài ba năm nay nhưng vẫn còn phải chờ một giọng ca miền Nam nào đấy, giọng nữ, cho thật là hồn nhiên, dân dã, như cỏ cây ngoài trời ngoài đất vậy! Một giọng ca nữ thuộc diện “chuyên nghiệp” từ chốn thành thị mà hát bài này thì tôi độ chừng là hát qua thì dễ tạo nơi tôi cảm giác như khi đọc câu thơ Nguyễn Bính khi xưa:
“Hôm qua em đi Tỉnh về“
“Hương đồng cỏ nội bay đi rất nhiều”
(Tuy tôi chẳng mấy khoái hai chữ “bay đi” ở câu sau vì nó không đúng vận! Nguyễn Bính là dân Bắc Kỳ, gốc Hưng Yên, mà ngày đó sao chẳng chịu viết:
“Hôm qua em đi Tỉnh về
“Hương đồng cỏ nội dinh tê rất nhiều“?
Kim Tuyết là một cô gái miền Nam, quê ở Vĩnh Long. Cũng là nơi mà tôi chẳng mấy xa lạ vì Bà Ngoại và một ông Cậu của tôi, (gốc miền Trung nhưng đều đã qua đời), xưa kia sinh sống ở Trà Vinh (Vĩnh Bình), tức từ Sài Gòn xuống phải qua đất Vĩnh Long cái đã! Kim Tuyết sinh sống ở Vĩnh Long nhưng lại đọc đuợc những gì nơi trang “Cỏ Thơm” này qua Internet!
Một ngày mới đây cô ấy liên lạc bằng e-mail với tôi và viết về khá nhiều thiện cảm của cô đối với mục “Nhạc” nơi trang này! “Chuyện trò” qua lại dăm ba phen qua e-mail thì tôi mới hay là cô ấy rất thích ca hát để giải trí; nhưng điều khiến tôi đặc biệt chú ý là cô ấy nói biết ca Vọng Cổ! Ôi Giời! Nghe vậy thì tôi sực nhớ ngay đến bài hát “Ngày em về“ của mình!  
“Ngày em về“
“Ngày em nơi xa về thăm xóm quê”
“Lúa thơm trên đồng lúa (lên) ghe theo cùng về“
“Đầu thôn trăng cài trên khóm tre”
“Em đi bao nguời nhớ, em về thôn xóm vui !”
“Cây vuờn, màu lá xanh tươi”
“Chiều êm sóng vỗ bồi hồi bờ nuớc xa !”
“Trăng soi lên mái tranh nhà”
“Sông xưa bến cũ mặn mà tình quê em !”
Tất cả những gì nơi lời bài hát đều phát xuất từ mớ kỷ niệm của tôi với mảnh đất miền Nam, từ vùng Đồng Nai đến xuống tút mút tận mũi Cà Mau! Tiếng sóng nơi câu: “Chiều êm sóng vỗ bồi hồi bờ nuớc xa” là tiếng sóng tôi từng nghe từ con sông Đồng Nai cho đến con sông Hàm Luông với không biết bao nhiêu là nhánh sông khác, chằng chịt trên dải đất miền Nam! Như đã từng đề cập đến nhiều phen ở mục “Nhạc” này trên Cỏ Thơm: Tôi hiếm khi viết bài hát từ hư cấu!

Thanh Trang (Nam Cali, cuối Thu 2010)



Mời thưởng-thức Ngày Em Về, Kim Tuyết trình bày, xin bấm vào:



Anh Tú
November 4, 2015

Trích từ:

Wednesday, January 26, 2022

LAO XAO NỖI NHỚ
Vũ Minh Tâm

Đã đăng tại:

https://anhtuvaban.blogspot.com/search/label/Vu%CC%83%20Minh%20T%C3%A2m 

 

Hồi ức 1
Tác giả


TÌM VỀ KỶ NIỆM:

THỜI TIỂU HỌC

Từ những ngày mới bắt đầu đi học, tôi đã được ba dắt vào trường và xin cho tôi được vào lớp Năm tức là lớp Một bây giờ.
Trường tiểu học lớn nhất trong quận này có đầy đủ cấp lớp từ lớp Năm tới lớp Nhất chứ không như trường làng ba tôi dạy chỉ có tới lớp Ba. Thầy Phan Thông Hỷ lúc đó là hiệu trưởng, đa số Thầy Cô đều từ Cần Thơ qua dạy, cũng có nhiều Thầy Cô nhà tại địa phương.
Năm đó tôi vừa đủ sáu tuổi theo giấy khai sinh nhưng thật ra tôi đã bảy tuổi rồi, do tôi sinh gần cuối năm nên ba làm khai sanh nhỏ lại một tuổi để tôi đủ sức đi học cùng các bạn ở một ngôi trường nằm trong chợ và có tầm cỡ trong quận.
Suốt những năm ở cấp tiểu học tôi đã trải qua tuổi thơ với nhiều vui buồn, với nhiều thăng trầm của cuộc sống ảnh hưởng rất lớn cuộc đời tôi.
Năm lớp Năm tôi được học Thầy Tuôi, Thấy Lê Văn Tuôi, Thầy Cô trong trường hay gọi là Thầy Chín Tuôi. Nhà Thấy bên Cần Thơ hằng ngày đạp xe qua dạy. Năm sau lên lớp Tư tôi được học một Thầy nữa là Thầy Ngô Văn Hai, hay được gọi là Thầy Hai Bụng. Hai người Thầy của tôi đều lớn tuổi, Thầy Hai tóc bạc phơ, cả hai Thầy đều mất vì bệnh. Thầy Hai mất trong mùa hè khi tôi hết lớp Tư, còn Thầy Chín thì cũng mất nhưng không nhớ năm nào. Qua Năm lớp Ba tôi được học cô Dung, cô Lâm Kim Dung, cô có dáng đẹp mảnh mai, da trắng nhưng cô có một ngón tay bị co lại nên bọn học trò thường gọi lén là cô Dung Cùi. Lên lớp Nhì tôi học cô giáo Ảnh, cô tên Đồng Ngọc Ảnh, nổi tiếng là dạy giỏi và cũng nổi tiếng nghiêm khắc, đánh đòn học trò rất dữ. Tôi nghe cũng sợ nhưng cứ tự tin, mình học tốt và ngoan thì sẽ không bị đòn. Thật vậy, suốt năm học với cô tôi không hề bị roi nào hay bị phạt vì không thuộc bài.
Hết bốn năm học êm ái trôi qua nhanh chóng. Khi tôi sắp sửa bước sang năm lớp Nhất là năm cuối cấp quan trọng thì một biến cố đến với gia đình, ba tôi đột ngột qua đời bỏ lại ông bà nội già và mẹ tôi cùng đàn con sáu đứa mà tôi là chị cả. Nỗi lo tan tác không biết còn được đi học nữa hay không vì ông nội tôi do buồn rầu mất đi người con duy nhất ông cũng qua đời sau ba tôi đúng 70 ngày. Má tôi nén đau thương quyết chí chịu cực khổ cho chị em tôi được tiếp tục đi học vì ba tôi là thầy giáo làng hay nói hồi xưa ở quê học ít nên giờ làm gì cũng cho con cái ăn học tới nơi tới chốn.
Năm học lớp Nhất tôi học cô Ánh, tên cô là Huỳnh Kim Ánh, tôi cố gắng hết sức để thi vào lớp Đệ Thất đầu cấp Trung học, hồi đó thi rất khó, có thi là có đậu có rớt. Tỉ lệ năm tôi thì là một chọi ba, vừa lo học thi vừa buồn nhớ ba vô cùng. May mắn năm đó tôi thi đậu vào lớp Đệ Thất, có 150 học sinh đậu chính thức gồm 2 lớp Anh Văn, A1 toàn con trai và A2 toàn con gái và 1 lớp Pháp Văn. Tôi đậu hạng 57 không cao nhưng đậu là mừng lắm rồi. Sau đó nhà trường quyết định mở thêm một lớp Pháp Văn nữa nên có hai lớp Pháp Văn P1 và P2.
Tôi chính thức bước vào Trung học, điều mà những ai được đi học vẫn hằng mong ước và hãnh diện, nó quan trọng như bây giờ được vào đại học vậy. Những đứa học chung thời tiểu học có đứa cũng tiếp tục học trên trung học, tới nay vẫn còn nhớ tên và vẫn còn liên hệ. Nhiều kỷ niệm cũng rất khó quên.
Suốt những năm học tiểu học tôi vẫn còn nhớ nhiều Thầy Cô và bạn bè. Nhớ như in cái cổng trường, cổng trước và cổng sau, đường đi tắt phía sau nhà chú Tư Dưỡng chuyên đánh trống và làm bảo vệ. Nhớ Dì Năm bán nước đá bào xi rô, nhớ hai má con Dì Hoa bán bánh mì ngoài cổng sau mà tôi chỉ ăn bánh mì chan nước cho ít tiền hơn ăn bánh mì thịt. Để dành tiền mua thiệp chúc xuân, mua bài ca vọng cổ... Ấy vậy mà có lần do sơ ý lúc xếp hàng vào lớp tôi đụng phải một bạn làm rơi ổ bánh mì mà bạn cầm trên tay, tôi phải đền cho bạn ấy và bạn chỉ lấy phân nửa số tiền mua ổ bánh mì thịt. Lâu lắm không gặp bạn chắc bạn ấy không nhớ đâu. Nhưng hôm rồi hay tin bạn đã ra đi vì nhiễm phải con virut quái ác trong đại dịch năm nay, thật là buồn!
Tôi bước vào ngưỡng cửa Trung học với chiếc áo dài xúng xính được người quen tặng vải và người mợ may dùm, chỉ bằng vải ka tê trắng thôi mà đã là hàng đẹp để may áo dài thời đó. Cái áo dài theo tôi suốt 12 năm học với bao niềm yêu mến.
Trường Trung học Bình Minh được chính thức thành lập từ năm 1962 và học ghép với trường tiểu học cũng do Thầy Phan Thông Hỷ làm hiệu trưởng, lúc đó Thầy có chức danh là Thanh tra kiêm Hiệu Trưởng, đối với giáo viên và học sinh là một chức vụ rất oai. Đối với dân địa phương là một chức danh rất uy tín, và lđược kính trọng. Tới năm 1968 tôi vào học lớp Đệ Thất thì Thầy Phạm Hồng Thanh được chính thức bổ nhiệm làm hiệu trưởng, còn 4 lớp của chúng tôi học tạm trong khuôn viên trường tiểu học, các lớp anh chị thì học tại khu Tầm Tang đang xây thành trường Trung học Bình Mình sau này.

Lê Kim Tuyết.

Tuesday, January 25, 2022

NHỚ MỘT CHIỀU XUÂN
Sáng tác của Nguyễn Văn Đông
Trình bày: Lê Kim Tuyết

Saturday, January 22, 2022

LỜI TẠ TÌNH


"...Hoàng hạc nhất khứ bất phục phản..."
Thôi Hiệu
"...Hạc vàng một lần bay qua rồi đi mãi..."
Muôn ngàn lần tạ ơn những bóng hạc đã bay ngang qua đời tôi.

Xin cho đóng gói nỗi buồn
Gửi gió mây,gửi suối nguồn ban mai !
Xin tạ ơn những dặm đời
Với ăn năn,với ngậm ngùi trăm năm !
Đã đau từ nguyệt trước rằm
Đã xanh xao tự màu trăng cuối ngàn !
Ngủ yên thôi
ngủ yên thôi
hỡi thời gian !
Xin vẫy tay
xin vẫy tay
cánh hạc vàng
thiên thu...

Nguyễn Toàn
(16/7/2020)

Thursday, January 20, 2022