Hồi ức 1
Tác giả |
TÌM VỀ KỶ NIỆM:
THỜI TIỂU HỌC
Từ những ngày mới bắt đầu đi học, tôi đã được ba dắt vào trường và xin cho tôi được vào lớp Năm tức là lớp Một bây giờ.
Trường tiểu học lớn nhất trong quận này có đầy đủ cấp lớp từ lớp Năm tới lớp Nhất chứ không như trường làng ba tôi dạy chỉ có tới lớp Ba. Thầy Phan Thông Hỷ lúc đó là hiệu trưởng, đa số Thầy Cô đều từ Cần Thơ qua dạy, cũng có nhiều Thầy Cô nhà tại địa phương.
Năm đó tôi vừa đủ sáu tuổi theo giấy khai sinh nhưng thật ra tôi đã bảy tuổi rồi, do tôi sinh gần cuối năm nên ba làm khai sanh nhỏ lại một tuổi để tôi đủ sức đi học cùng các bạn ở một ngôi trường nằm trong chợ và có tầm cỡ trong quận.
Suốt những năm ở cấp tiểu học tôi đã trải qua tuổi thơ với nhiều vui buồn, với nhiều thăng trầm của cuộc sống ảnh hưởng rất lớn cuộc đời tôi.
Năm lớp Năm tôi được học Thầy Tuôi, Thấy Lê Văn Tuôi, Thầy Cô trong trường hay gọi là Thầy Chín Tuôi. Nhà Thấy bên Cần Thơ hằng ngày đạp xe qua dạy. Năm sau lên lớp Tư tôi được học một Thầy nữa là Thầy Ngô Văn Hai, hay được gọi là Thầy Hai Bụng. Hai người Thầy của tôi đều lớn tuổi, Thầy Hai tóc bạc phơ, cả hai Thầy đều mất vì bệnh. Thầy Hai mất trong mùa hè khi tôi hết lớp Tư, còn Thầy Chín thì cũng mất nhưng không nhớ năm nào. Qua Năm lớp Ba tôi được học cô Dung, cô Lâm Kim Dung, cô có dáng đẹp mảnh mai, da trắng nhưng cô có một ngón tay bị co lại nên bọn học trò thường gọi lén là cô Dung Cùi. Lên lớp Nhì tôi học cô giáo Ảnh, cô tên Đồng Ngọc Ảnh, nổi tiếng là dạy giỏi và cũng nổi tiếng nghiêm khắc, đánh đòn học trò rất dữ. Tôi nghe cũng sợ nhưng cứ tự tin, mình học tốt và ngoan thì sẽ không bị đòn. Thật vậy, suốt năm học với cô tôi không hề bị roi nào hay bị phạt vì không thuộc bài.
Hết bốn năm học êm ái trôi qua nhanh chóng. Khi tôi sắp sửa bước sang năm lớp Nhất là năm cuối cấp quan trọng thì một biến cố đến với gia đình, ba tôi đột ngột qua đời bỏ lại ông bà nội già và mẹ tôi cùng đàn con sáu đứa mà tôi là chị cả. Nỗi lo tan tác không biết còn được đi học nữa hay không vì ông nội tôi do buồn rầu mất đi người con duy nhất ông cũng qua đời sau ba tôi đúng 70 ngày. Má tôi nén đau thương quyết chí chịu cực khổ cho chị em tôi được tiếp tục đi học vì ba tôi là thầy giáo làng hay nói hồi xưa ở quê học ít nên giờ làm gì cũng cho con cái ăn học tới nơi tới chốn.
Năm học lớp Nhất tôi học cô Ánh, tên cô là Huỳnh Kim Ánh, tôi cố gắng hết sức để thi vào lớp Đệ Thất đầu cấp Trung học, hồi đó thi rất khó, có thi là có đậu có rớt. Tỉ lệ năm tôi thì là một chọi ba, vừa lo học thi vừa buồn nhớ ba vô cùng. May mắn năm đó tôi thi đậu vào lớp Đệ Thất, có 150 học sinh đậu chính thức gồm 2 lớp Anh Văn, A1 toàn con trai và A2 toàn con gái và 1 lớp Pháp Văn. Tôi đậu hạng 57 không cao nhưng đậu là mừng lắm rồi. Sau đó nhà trường quyết định mở thêm một lớp Pháp Văn nữa nên có hai lớp Pháp Văn P1 và P2.
Tôi chính thức bước vào Trung học, điều mà những ai được đi học vẫn hằng mong ước và hãnh diện, nó quan trọng như bây giờ được vào đại học vậy. Những đứa học chung thời tiểu học có đứa cũng tiếp tục học trên trung học, tới nay vẫn còn nhớ tên và vẫn còn liên hệ. Nhiều kỷ niệm cũng rất khó quên.
Suốt những năm học tiểu học tôi vẫn còn nhớ nhiều Thầy Cô và bạn bè. Nhớ như in cái cổng trường, cổng trước và cổng sau, đường đi tắt phía sau nhà chú Tư Dưỡng chuyên đánh trống và làm bảo vệ. Nhớ Dì Năm bán nước đá bào xi rô, nhớ hai má con Dì Hoa bán bánh mì ngoài cổng sau mà tôi chỉ ăn bánh mì chan nước cho ít tiền hơn ăn bánh mì thịt. Để dành tiền mua thiệp chúc xuân, mua bài ca vọng cổ... Ấy vậy mà có lần do sơ ý lúc xếp hàng vào lớp tôi đụng phải một bạn làm rơi ổ bánh mì mà bạn cầm trên tay, tôi phải đền cho bạn ấy và bạn chỉ lấy phân nửa số tiền mua ổ bánh mì thịt. Lâu lắm không gặp bạn chắc bạn ấy không nhớ đâu. Nhưng hôm rồi hay tin bạn đã ra đi vì nhiễm phải con virut quái ác trong đại dịch năm nay, thật là buồn!
Tôi bước vào ngưỡng cửa Trung học với chiếc áo dài xúng xính được người quen tặng vải và người mợ may dùm, chỉ bằng vải ka tê trắng thôi mà đã là hàng đẹp để may áo dài thời đó. Cái áo dài theo tôi suốt 12 năm học với bao niềm yêu mến.
Trường Trung học Bình Minh được chính thức thành lập từ năm 1962 và học ghép với trường tiểu học cũng do Thầy Phan Thông Hỷ làm hiệu trưởng, lúc đó Thầy có chức danh là Thanh tra kiêm Hiệu Trưởng, đối với giáo viên và học sinh là một chức vụ rất oai. Đối với dân địa phương là một chức danh rất uy tín, và lđược kính trọng. Tới năm 1968 tôi vào học lớp Đệ Thất thì Thầy Phạm Hồng Thanh được chính thức bổ nhiệm làm hiệu trưởng, còn 4 lớp của chúng tôi học tạm trong khuôn viên trường tiểu học, các lớp anh chị thì học tại khu Tầm Tang đang xây thành trường Trung học Bình Mình sau này.
Lê Kim Tuyết.
No comments:
Post a Comment